Ý nghĩa thú vị của những địa danh ở Sài Gòn

Ý nghĩa thú vị của những địa danh ở Sài Gòn

Bạn có biết những địa danh quen thuộc ở Sài Gòn như: Bến Thành, Bến Nghé, Bến Phân, Gò Vấp, Gò Dưa... có ý nghĩa gì không?

Theo số liệu sưu tập của một số nhà nghiên cứu, trong địa danh Việt Nam có ít nhất 40 đơn vị có thành tố Bến ở trước. Bến là chỗ bờ sông, thường có bậc lên xuống để lấy nước, tắm giặt. Bến còn là nơi quy định cho tàu thuyền, xe cộ dừng lại để hành khách lên xuống, xếp dỡ hàng hoá. Thành tố đứng sau có thể chia thành nhiều nhóm, như tên người, tên cây, tên công trình xây dựng,…

Một số địa danh bắt đầu là từ "Bến" ở thành phố Hồ Chí Minh:

1. Bến Trâu là rạch ở phường 14, quận Sáu, tp. HCM, dài 1.400m. Tại rạch này có một bến nước trước đây người địa phương thường thả trâu xuống tắm.

2. Bến Thành là chợ ở quận 1, tp. HCM. Trước kia gọi là chợ Bến Nghé, vì vào đầu tk. 19, chợ nằm sát bến Bạch Đằng nay. Cuối thế kỉ 19, chợ được dời đến trên bờ kinh Lấp (đường Nguyễn Huệ nay). Năm 1870, chợ bị cháy. Năm 1911, chợ dời về vị trí hiện nay, đến tháng 3 – 1914 thì khánh thành. Bến Thành vì ban đầu chợ nằm gần bến Nghé và thành Gia Định.


3. Bến Nghé là tên một khúc sông Sài Gòn chảy qua thành phố HCM. Bến Nghé là nơi trâu thường ngâm mình ở đây.

4. Bến Dược là vùng đất ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, tp. HCM, rộng 200ha. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, dân địa phương đã đào nhiều đường hầm dưới lòng đất (địa đạo) dài hàng trăm cây số để đánh địch. Bến Dược do bến Bà Dược (tại đây có xóm Bà Dược) rút gọn mà thành.

5. Bến Bối là rạch ở quận Bình Thạnh, tp. HCM, dài độ 700m. Bối là “ăn trộm trên sông”. Có lẽ tại bến này trước kia có nhiều kẻ trộm trên sông.

6. Bến Phân là cầu nằm trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, tp. HCM, dài 84,2m, rộng 7m. Bến Phân ngày xưa là bến bán phân tằm để bón cho trầu và thuốc lá nên có tên trên.

7. Bến Súc còn là cảng ở trên sông Sài Gòn, tại chỗ giáp giới của hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Bến Súc chỉ “bến chứa những khúc gỗ lớn”.

8. Bến Lức là tên sông nhánh của sông Vàm Cỏ Đông, dài 19km, chảy trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An và huyện Bình Chánh, tp. HCM. Bến Lức cũng là tên huyện của tỉnh Long An, diện tích 289,3km2, dân số 126.100 người (2006), gồm một thị trấn và 14 xã. Bến Lức còn là tên hai chiếc cầu trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, chiếc cũ dài 549m, chiếc mới dài 400m, rộng 12m. Bến Lức vừa gốc thuần Việt vừa gốc Khmer, là “bến có nhiều cây lứt”. Lứt (lức) gốc Khmer Rolưk, là một loại cỏ lá nhỏ, mọc theo bờ nước, rễ là vị thuốc sài hồ. Tên dịch ra từ Hán Việt của Bến Lức là Lật Giang.

Trong địa danh Việt Nam có hàng trăm đơn vị mang từ Gò ở trước. Gò là một từ thuần Việt. Do đó, các địa danh này có cấu tạo theo kiểu hoàn toàn Việt Nam. 

Một số địa danh bắt đầu là từ "Gò" ở thành phố Hồ Chí Minh:

1. Gò Công là địa điểm ở phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Gò Công cũng là thị xã của tỉnh Tiền Giang, diện tích 32,1km2, dân số 51.200 người (2006), gồm 5 phường và 4 xã. Trước ngày 30 – 4 – 1975, Gò Công là tỉnh, sau chia làm hai huyện là Gò Công Đông và Gò Công Tây. Gò Công Đông là phần phía đông của tỉnh Gò Công. Gò Công Tây là phần phía tây của tỉnh Gò Công. Gò Công vốn có nghĩa là “gò có nhiều công đậu” trước đây, nên các cụ ngày xưa dịch ra chữ Hán là Khổng Tước khâu (“gò chim công”).

2. Gò Vấp là quận của thành phố Hồ Chí Minh, diện tích 19,7km2, dân số 311.000 người (2006), gồm 16 phường, đến cuối năm 2006, thêm 4 phường. Địa danh này đã xuất hiện trước năm 1820, được gọi là quận từ năm 1917. Gò Vấp có âm gốc là Gò Vắp, vừa thuần Việt vừa gốc Khmer. Vắp là tên cây, âm gốc là Kompăp, một loại cây cứng như lim. Gò Vắp là “gò có nhiều cây vắp”.

3. Gò Dưa là ấp của phường Tam Bình, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Dưa ở đây là dưa leo, được trồng nhiều nơi này trước kia.


                                                                                                                    -ST- BY HT

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

BÀI THƠ " ĐÔI DÉP" - NGUYỄN TRUNG KIÊN

Cách xử lý mùi âm đạo khi mang thai cho mẹ bầu

Bệnh viện mắt việt hàn ở TPHCM